Cá thòi lòi chẳng đòi mỹ vị

Một điều lạ là thịt cá thòi lòi khi chín, để nguội không tanh. Thế nên, nếu có thời gian, bạn cứ tà tà nhấm nháp nó, để mà… ghiền.

Nhiều dân sành ăn thuỷ sản đúc kết: thường những con cá sống ở biển có bộ dạng xấu xí, thịt chúng lại ngon hơn những con khác. Nói vậy e rằng thiếu sót vì con cá thòi lòi (cá bống thùng) chỉ quanh quẩn trong những khúc sông nước lợ, mà thịt ngon đâu kém gì. 

 Xấu mà “chơi được” 

Có thể xem cá thòi lòi thuộc giống lưỡng cư và chậm tiến hoá. Nó có thể lặn lâu 5-10 phút, hay nhảy dựng như ngựa phi. Thỉnh thoảng muốn “đổi gió”, nó trèo vắt vẻo trên những rễ đước, mắm… Nó chuyên săn mồi sống: còng, nha, tôm, tép, các loại cá nhỏ hơn. Những con trưởng thành thường chọn nơi hiểm hóc để đào hang: lùm ô rô, kẹt rễ đước, mắm. Hang chúng sâu từ 1,5-2m, có nhiều ngách. Thế nhưng nó vẫn không thoát bàn tay sành thực của con người. 

Những chợ Phước Khánh (Đồng Nai), chợ cạnh bến phà Bình Khánh (Nhà Bè) thường bán giống cá này. Nó rất mạnh. Nhiều cô dâu ở thành, thạo bếp núc, mới về những vùng này sống thường ngơ ngẩn, vì “đã chặt kỳ, đánh vảy hết mà nó vẫn đủ sức phóng ra, lặn mất” dưới ao sâu. 

Một lần thưởng cá để ghiền 

Lấy thanh tre tươi xiên dọc con cá thòi lòi rồi gác lên bếp than hồng, trở đều tay. Bị đốt nóng, mỡ tre (trúc) tươi chảy ra thấm vào thịt cá nên giúp món ăn ngọt hơn. Dân thích ăn nguyên vị thường chọn cách ăn với muối ớt hoặc nước mắm ngon. Có người lại thích phết lên da cá một ít mỡ nước hay dầu ăn trước khi nướng. Làm vậy, mùi thơm cá chín nướng sẽ bay sang cả nhà hàng xóm mời gọi. Đồng thời da cá có thêm vị beo béo. Vốn “hiếu động” hơn bống mú, bống sao… nên thịt nó không có “đất” cho mỡ trú ngụ. Một điều lạ nữa là thịt con cá này khi chín, để nguội không tanh như một số cá khác cùng sống ở biển hay sông. Thế nên, nếu có thời gian bạn cứ tà tà nhấm nháp nó, để mà… ghiền. 

Thịt cá thòi lòi lột da, kho tiêu cũng có vị riêng. Người biết nấu thường kết hợp cá với một ít tương, gừng xắt lát, một ít dầu ăn hay vài lát thịt heo ba rọi trong lúc ướp. Hâm đến lửa thứ hai, ba thì tinh dầu gừng, men của tương và chất béo của dầu (mỡ) cùng thấm đều vào từng sớ cá. Lúc này ăn miếng cá vừa thơm vừa bùi và cảm giác như ăn thịt chứ không phải đang ăn cá nữa. Thế mới biết “công lao” của gừng và tương trong việc tăng phẩm vị của cá biển, sông. Quý vị có thể dùng khế, dưa leo, giá, thơm… làm rau sống ăn kèm. Thử xem, cơm hôm đó có bị thiếu không? 

Hoặc bạn có thể lột da cá, đem hấp cách thuỷ, cuốn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm me. Coi chừng tức bụng! 

Sướng như ăn vụng 

Canh chua cá thòi lòi cũng hấp dẫn không kém. Chất tạo chua nâng thêm vị ngon là me non, khế, trái giác (một loại dây leo dại mọc ở những vùng nước lợ), đọt cóc, “kẹt” quá mới xài me chín. Nói chung con cá này không kén rau. Tuy vậy người nấu vẫn không quên món rau chủ lực: bắp (hoa) hoặc lõi cây chuối, ngon hơn là chuối hột. Gắp một miếng thịt cá thòi lòi chắc nịch từ tô canh chua bốc khói, dạo qua một góc chén muối ớt hay nước mắm dầm ớt hiểm đã nghe vị giác sướng trào nước bọt. “Ngon như ăn vụng”, dân miền Tây khi hứng lên thường ví như vậy. 

 Hiện khu du lịch Vàm Sát, Cần Giờ có bán món cá thòi lòi nướng mọi, phục vụ du khách. Tuy vậy đầu bếp ở đây chưa chăm chút đến đĩa rau sống ăn kèm. Muốn ngon hơn, có lẽ bạn hãy tìm những phụ nữ phúc hậu ở đây học hỏi thêm. Sau mỗi lần “vượt cạn”, người thân của họ thường mang con cá này đến biếu “để ăn cho mau lại sức”. Vì thịt nó “hiền”, ngon, nhiều nạc.

Bình luận về bài viết này