Chi Mã đề (danh pháp khoa học: Plantago) là một chi chứa khoảng 200 loài thực vật nhỏ, không dễ thấy, được gọi chung là mã đề. Phần lớn các loài là cây thân thảo, mặc dù có một số ít loài là dạng cây bụi nhỏ, cao tới 60 cm. Lá của chúng không có cuống, nhưng có một phần hẹp gần thân cây, là dạng giả-cuống lá. Chúng có 3 hay 5 gân lá song song và tỏa ra ở các phần rộng hơn của phiến lá. Các lá hoặc là rộng hoặc là hẹp bản, phụ thuộc vào từng loài. Các cụm hoa sinh ra ở các cuống thông thường cao 5-40 cm, và có thể là một nón ngắn hay một cành hoa dài, với nhiều hoa nhỏ, được thụ phấn nhờ gió.
Các loài mã đề bị ấu trùng của một số loài thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera) ăn lá – xem Danh sách các loài cánh vẩy phá hại mã đề.
Các loài mã đề mọc ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm châu Mỹ, châu Á, Australia, New Zealand, châu Phi và châu Âu. Nhiều loài trong chi phân bổ rộng khắp thế giới như là một dạng cỏ dại.
Sử dụng
Các chất bổ sung psyllium thông thường được sử dụng ở dạng bột với một lượng hợp lý nước hay nước quả. Một số bác sĩ còn kê đơn một liều ít nhất 7 gam mỗi ngày để điều chỉnh nồng độ cholesterol. Có một số sản phẩm chứa psyllium được sử dụng để điều trị táo bón. Liều thông thường là khoảng 3,5 gam hai lần trong ngày. Psyllium cũng là thành phần trong một số ngũ cốc chế biến sẵn.
Tại Ấn Độ, chất nhầy từ Plantago ovata được làm bằng cách nghiền vỏ hạt. Chất nhầy này được bán như là Isabgol, một loại thuốc nhuận tràng được sử dụng để điều trị chứng đường ruột bất thường và táo bón. Nó cũng được sử dụng trong một số ngũ cốc để điều trị chứng cao cholesterol mức độ nhẹ tới vừa phải cũng như để làm giảm lượng đường trong máu. Nó đã từng được sử dụng trong y học Ayurveda và Unani của người dân bản xứ cho một loạt các vấn đề về ruột, bao gồm táo bón kinh niên, lỵ amip và bệnh tiêu chảy.
Tại Bulgaria, lá của Plantago major được sử dụng làm thuốc để chống nhiễm trùng ở các vết đứt hay vết xước nhờ các tính chất kháng trùng của nó.