Chè sâm bổ lượng

Tháng Bảy 24, 2009

SGTT – Chỉ cần mươi ngàn đồng là người ta có thể thưởng thức một ly sâm bổ lượng, một loại thực phẩm chức năng ngon lành, rẻ tiền

samboluong

Với những nguyên liệu đã được y học cổ truyền công nhận như hạt sen, củ sen, đại táo, bạch quả, nhãn nhục, bo bo, đậu xanh, phổ tai… thì sâm bổ lượng rõ là món ăn dùng để làm mát, an thần và bổ dưỡng. Ngoài những vị giúp thanh nhiệt thì bạch quả là một vị thuốc quý, được mệnh danh là cây trường sinh với tuổi thọ cả ngàn năm. Bạch quả với công dụng làm chậm quá trình lão hoá tế bào thần kinh giúp tăng cường trí nhớ, phòng ngừa chứng tai biến mạch máu não…

Đọc tiếp »


Chè sương sa hạt lựu

Tháng Chín 10, 2008

Sương sa hạt lựu vốn không ngọt gắt như những thứ chè khác. Vị ngọt dịu cũng như độ béo vừa phải khiến nó trở thành một thứ thức uống giải khát đúng hơn là chè.

Người ta có thể thưởng thức món chè này theo nhiều cách: Muốn giải khát thì cho nhiều đá, uống nhanh, muốn nhâm nhi như chè thì cứ múc từng thìa một.

Nguyên liệu

Củ năng tươi, bột năng, rau câu, đậu xanh, đường cát trắng và ít nước cốt dừa.

Củ năng sau khi gọt sạch sẽ được xắt thành những hạt vuông nhỏ, đem nhuộm màu.

Để có lớp bột áo bên ngoài giòn sần sật, người ta sẽ cho những hạt ấy vào một cái hũ có sẵn bột năng, đậy kín và lắc đều, thế là các hạt đã được bọc vỏ rất nhanh và đều khắp.

Tiếp theo, chúng sẽ được luộc lên đến khi nổi đều là được. Sau đó, người ta sẽ nhanh tay cho vào nước đá lạnh để tránh vón cục.

Xem tiếp…


Việt Nam đứng hàng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè

Tháng Tám 4, 2008

Trong 2 ngày 19 – 20/7, tại Hà Nội sẽ diễn ra “Ngày chè Việt 2008”. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp 50 năm ngày Bác Hồ về thăm ngành chè và 20 ngày thành lập Hiệp hội chè Việt Nam. Cho đến thời điểm này, chè Việt Nam đã có mặt ở 118 quốc gia, đứng hàng thứ 5 trên thế giới cả về sản lượng và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết, từ năm 2003 – 2007, sản lượng xuất khẩu của chè Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 lần (từ dưới 60.000 tấn lên tới trên 180.000 tấn).

Việt Nam hiện có 3 loại chè: chè đen, chè xanh và một số loại chè khác. Trong đó, chè đen thì chủ yếu là để xuất khẩu, còn chè xanh thì lượng tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu là tương đương. Hiện trên cả nước có khoảng 20 doanh nghiệp chè với 60 dòng sản phẩm được đăng ký thương hiệu chè Việt. 

Ban tổ chức cho biết, trong ngày hội chè Việt 2008, sẽ có 25 gian hàng giới thiệu các sản phẩm chè hảo hạng của các doanh nghiệp được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ; tổ chức Báo công lên Bác Hồ; Dâng hương trước tượng đài Lý Thái Tổ… 

Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn


Yên Bái đạt năng suất 10 tấn chè búp tươi/ha

Tháng Tám 4, 2008

Huyện Văn Chấn (Yên Bái) hiện có hơn 4.200 ha chè, trong đó 3.800 ha chè kinh doanh, hằng năm cho sản lượng 3.000 tấn chè búp tươi đem lại nguồn thu hơn 70 tỷ đồng.

Nhờ cây chè mà hàng nghìn hộ nông dân dân tộc thiểu số trong huyện đã xoá được nghèo, đời sống từng bước được ổn định và vươn lên làm giàu.

Ðể nâng cao chất lượng và uy tín thương hiệu, Văn Chấn đã cải tạo, trồng mới được gần 800 ha chè bằng các giống chè lai như: chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên. Nhiều hộ bước đầu đã có thu nhập cao khẳng định rõ hiệu quả kinh tế của cây chè. 

Ông Nguyễn Tiến Luật ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn) cho biết: Từ năm 2005 gia đình ông đã chuyển đổi từ việc trồng chè trung du sang trồng chè giống mới LDP2, năng suất, chất lượng chè đã từng bước được cải thiện. 

Mặc dù năm đầu năng suất chưa cao do phải tạo tán và chăm sóc, nhưng từ năm thứ 2 trở đi, năng suất đã dần tăng lên. Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là địa phương có diện tích chè trồng mới gần 450 ha, trong đó chè cải tạo là 150 ha chủ yếu là các giống LDP2, chè Phúc Vân Tiên cho năng suất từ 8 đến 10 tấn chè búp tươi/ha mang lại nguồn thu từ 20 đến 30 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình đã có thu nhập 70 triệu đồng nhờ cây chè lai năng suất cao, chất lượng tốt được khách hàng ưa chuộng. 

Nguồn: agroviet.gov.vn


Thông tin về thị trường chè Việt Nam

Tháng Tám 4, 2008

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2008 đạt 44.066.425 USD, với lượng xuất đạt 34.118 tấn.

– Xuất khẩu mặt hàng chè của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 đạt 146 tấn, với trị giá 341.365 USD. Tính chung 5 tháng đạt 393 tấn, với trị giá 791.166 USD.

– Tổng cục Thuế vừa gửi công văn tới cơ quan thuế các địa phương để hướng dẫn áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm chè các loại.
Cụ thể, chè đen, chè xanh các loại thuộc nhóm 0902 áp dụng thuế GTGT 10%, nhưng chè tươi phơi khô chưa chế biến cũng thuộc nhóm 0902 chỉ phải chịu thuế GTGT 5%. Chè tươi qua các công đoạn làm héo, vò, lên men, sao, phơi, sấy khô, sàng phân loại thành chè bán thành phẩm để làm nguyên liệu sản xuất chè xanh, chè đen, chè hương được coi là chè khô sơ chế ở khâu kinh doanh thương mại chỉ phải chịu thuế GTGT 5%.
Cũng theo hướng dẫn Tổng cục Thuế, chè khô sơ chế từ chè tươi chế biến thành chè thành phẩm như chè đen, chè xanh, chè hương và các loại chè thành phẩm khác đóng túi lọc, đóng hộp, đóng gói, đóng thùng để xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước được coi là chè đã qua chế biến nên áp dụng thuế GTGT 10%.

– Trong tháng 5/2008, xuất khẩu mặt hàng chè sang Nhật Bản đạt 15 tấn, với kim ngạch đạt 60.366 USD. Tính chung, 5 tháng đầu năm kim ngạch đạt 327.537 USD, với lượng xuất đạt 164 tấn.

– Trong tháng 5/2008, xuất khẩu mặt hàng chè sang Liên Bang Nga đạt 585 tấn, với kim ngạch đạt 782.274 USD. Tính chung, 5 tháng đầu năm kim ngạch đạt 5.237.019 USD, với lượng xuất đạt 4.343 tấn.

– Tháng 5/2008, kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam sang Malaysia đạt 163 tấn, với trị giá 81.552 USD. Tính chung, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu 591.712 USD, với lượng xuất 1.125 tấn.

Nguồn: http://vinanet.vn


Hồ sơ ngành hàng Chè Việt Nam

Tháng Năm 24, 2008

Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng sớm nhất ở Trung Quốc, cách đây khoảng 5000 năm. Cho đến năm 2000, đã có hơn 100 nước thuộc 5 Châu trồng và xuất khẩu chè. Sản lượng chè thế giới năm 2000 đạt hơn 2,8 triệu tấn. Đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có 2 vùng sản xuất tập trung: vùng chè tươi và vùng chè rừng cho tiêu dùng nội địa chủ yếu. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Đông Dương, đã có thêm vùng chè công nghiệp tập trung hiện đại xuất khẩu (1923-1925). Đến năm 2000, đã có 3 loại vườn chè gồm chè tươi hộ gia đình, chè rừng dân tộc và chè công nghiệp hàng rào có đốn, tương ứng với 3 thời kỳ lịch sử (phong kiến, thuộc địa và độc lập), tại 3 vùng địa lý (đồng bằng, trung du và miền núi).

…tải toàn bộ tài liệu tại đây: hosonganhhangchevietnam

Nhóm chuyên gia ngành hàng – Trung tâm Tư vấn Chính sách – Viện CS&CL PTNNNT


Lâm Đồng: đầu tư hơn 221 tỉ đồng trồng chè chất lượng cao

Tháng Năm 24, 2008

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt đề án phát triển vùng chè chất lượng cao trong kế hoạch 2007-2010 với tổng kinh phí ước tính trên 221 tỉ đồng. Theo đó, từ nay đến năm 2010, Lâm Đồng sẽ mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trồng mới khoảng 1.300ha chè bằng các giống chất lượng cao như Kim Tuyên, Tứ Quý, Ô Long… tại các địa phương có truyền thống trồng chè của tỉnh, đồng thời xây dựng thêm năm nhà máy chế biến gắn liền với các vùng nguyên liệu.

 

Hiện Lâm Đồng có trên 2.000ha chè chất lượng cao do các doanh nghiệp trong và ngoài nước (chủ yếu là Đài Loan) đầu tư sản xuất bằng các giống chè của Trung Quốc đại lục, Đài Loan để chế biến xuất khẩu đạt giá trị sản xuất 200-250 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 10 lần so với các giống chè truyền thống.

Nguồn tin: Cục chế biến


Chè Việt Nam “ăn xổi” đến bao giờ?

Tháng Năm 24, 2008

Mới đây, Hiệp hội Chè Việt Nam đã đưa ra cảnh báo khả năng ngành chè mất thị trường EU sau khi Anh và nhiều nước châu Âu đưa ra thông báo báo về việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm chè xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Một lần nữa, câu chuyện về chất lượng của các sản phẩm chè lại được nói đến như hệ quả của sự mất cân đối giữa sự phát triển ồ ạt của các cơ sở chế biến chè dẫn đến việc khai thác cạn kiệt các vùng nguyên liệu. Tình trạng cũng sẽ đe dọa không nhỏ đến mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành chè đạt khoảng 18-20%, tương đương 140 triệu USD trong năm 2007.

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp chế biến chè chúng ta có 650 cơ sở công nghiệp với tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày. Với sản lượng 546.000 tấn chè búp tươi năm 2005 chỉ đáp ứng được khoảng 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến này.

Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công bán công nghiệp cùng tham gia thu mua nguyên liệu để sơ chế và nhiều cơ sở đấu trộn ướp hương đóng gói chè. Do thiếu nguyên liệu nên nhiều cơ sở không quan tâm đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu, thiếu chăm sóc vườn chè đúng quy cách, dẫn đến năng suất chè bình quân của cả nước chỉ đạt 5,7 tấn/ha (mà nếu chăm sóc tốt nhiều vườn chè cho năng suất 20-25 tấn/ha.

Bên cạnh đó, trang thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu nên hầu hết chè Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu, chè thành phẩm mới chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu, chè nguyên liệu chiếm xấp xỉ 80%.

Một số lãnh đạo quản lý ngành chè lại có quan điểm giá tăng như vậy thì nông dân sẽ được lợi, nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia trong ngành, khi giá đẩy lên thì chất lượng chè kém đi. Khi hái chè, thông thường người trồng chè chỉ ngắt một búp, 2 lá, nhưng bây giờ họ dùng liềm cắt cành dài khiến cây chè bị tổn thương, khó có thể khôi phục vườn chè nhanh được.

Chất lượng chè kém đi thì xuất khẩu sẽ giảm sút. Với cơ cấu trên 2/3 sản lượng chè được sản xuất dành cho xuất khẩu, trong khi chỉ có non 1/3 tiêu dùng trong nước. Chính vì thế, khi kim ngạch xuất khẩu giảm tất yếu sẽ dẫn đến chuyện đình đốn trong sản xuất

Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Nguyễn Văn Thụ cho biết, đã có những lô chè người dân phải bỏ làm phân bón, do không bán được. Tuy nhiên, phần lớn sự suy giảm chất lượng, giá bán của chè là do các doanh nghiệp Việt Nam tự “phá” nhau bằng cách nâng giá mua của người nông dân đồng thời lại giảm giá bán cho đối tác nước ngoài.

Chẳng vậy mà, nếu như trước đây giá xuất khẩu 1kg chè khô vào Anh đạt 1,8-2 USD/kg, thì nay chỉ còn có 1,1-1,2 USD/kg, với khối lượng xuất khẩu 100.000 tấn chè/năm thì ngành chè đã bị thiệt hại 70 triệu USD. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có nhiều nơi xuất bán được chè với giá cao như Đình Lập (Lạng Sơn): 8 USD/kg, Phú Bền (Phú Thọ): 1,8-2 USD/kg, Mộc Châu (Sơn La): 7 USD/kg… Một nguyên nhân quan trọng khiến ngành chè của Việt Nam rơi vào tình trạng “lẹt đẹt” như hiện nay là thương hiệu của chúng ta quá yếu, mặc dù thương hiệu quốc gia cho chè đã có với tên “CHEVIET”.

Trước yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh, cũng như mong muốn nâng cao chất lượng chè, qua đó tạo ra những giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành chè Việt Nam, tuần qua, Hiệp hội Chè Việt Nam đã họp bàn với đại diện lãnh đạo hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang nhằm thông báo tình hình thị trường, đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý ở địa phương vào cuộc, đi kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất, nếu thấy không đủ điều kiện thì cho dừng sản xuất lại.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, tới đây, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có chương trình đi tới 35/35 tỉnh, thành phố đang trồng chè nhằm gặp gỡ các nhà quản lý, các doanh nghiệp để cảnh báo, thông báo tình hình và đề ra những biện pháp cứng rắn.

Cụ thể, vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn đi kiểm tra, gồm Sở Nông nghiệp, Thương mại, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường đến kiểm tra tất cả những cơ sở sản xuất, nếu không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn, thì đình sản xuất lại, không cho kinh doanh, tịch thu những sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu quá cao ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Để giải quyết triệt để được vấn đề trên phải thực hiện ngay bốn giải pháp là: đối với doanh nghiệp không làm, không bán chè xấu, còn người tiêu dùng thì không mua chè xấu, trong khi đó Nhà nước phải cấm lưu thông chè xấu trên thị trường, nếu phát hiện chè kém chất lượng nên cho tiêu huỷ ngay.

Ông Nguyễn Văn Thụ cho biết: “Chúng tôi đang lập danh sách những cơ sở đủ tiêu chuẩn kiểm tra, kiểm soát chất lượng chè xuất khẩu để loại bỏ tất cả những lô chè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay cả lượng chè phơi như… rơm rạ trên đường phải được tịch thu và tiêu huỷ”.

 

Nguồn tin: VNeconomy


Hương vị trà Blao xứ Bảo Lộc

Tháng Năm 24, 2008

Xứ Bảo Lộc trù phú mà thơ mộng với những nương trà xanh bát ngát. Giữa những đồi trà, thỉnh thoang bạn lại gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa . Đó đây thấp thoáng những chiếc nón trắng của các cô gái Bảo Lộc xinh đẹp đang thoăn thoắt hái trà. Bạn sẽ hài lòng với khí hậu ôn hòa mát mẻ, với phong cảnh xinh đẹp của miền cao nguyên và với những ly trà thơm ngọt đậm đà chỉ có ở Bảo Lộc.

Khách Du lịch đi Đà Lạt đa số đều dừng chân ở Bảo Lộc – Một thị trấn êm đềm xinh đẹp cách Đà Lạt 120 km. Và ai ai cũng mang về làm quà cho người thân đặc sản nổi tiếng của miền cao nguyên trù phú này – Trà Bảo Lộc. Đến Bảo Lộc, chỗ nào bạn cũng nhìn thấy trà: những vườn trà xanh bát ngát chạy tít tắp phía chân trời, trà bao bọc xung quanh nhà ở, trà ở phía trong sân, cho đến trà trong những bao mầu rực rỡ tiệm bán trà. Đến bất kỳ nhà ai ở Bảo Lộc, bạn cũng được người ta tiếp bằng thứ nước mang vị chan chát, man mát ngọt. đó là nước trà.

Ngược dòng lịch sử, từ vùng Cầu Đất trên độ cao 1.000m, theo quá trình hình thành và phát triển, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ Người Pháp mà cây trà lan dài xuống vùng Bảo Lộc, Di Linh theo lộ trình mới mở cửa của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn vào thập niên 1930. Trà bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre..rồi dần dà là sự ra đời của các trang trại , các rẫy trà, vườn trà của các hộ gia đình. Từ đó ở vùng đất này đã xuất hiện một tầng lớp dân cư đông đảo chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất Bazan đã khai mở từ gần 80 năm trước, để hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.

Và ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trà trên quê hương mình, những người làm trà đã chọn ngay đjai danh B’ Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ. Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của thương hiệu “Trà B’Lao” mà các danh trà sau này đều dùng thêm chữ Trà B’Lao trên sản phẩm của mình. Đó có thể là Danh trà Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, hay Rồng Vàng, Thiên Thành, Ngọc Trang…”Nếu không ghi chữ B’Lao vào bao bì thì sản phẩm như mất đi phần bản sắc quan trọng nhất và rất khó tiêu thụ” – chủ một danh trà đã khẳng định như thế. điều đó minh chứng thêm cho sự hoà quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất cao nguyên. Đồng thời, một lý do quan trọng khác là trà B’Lao mang dấu ấn đặc trưng riêng trong phông vị đã từng chinh phục thói quen thưởng trà của người “Đàng trong” trong khi ở “Đàng ngoài” co trà Bắc Thái nức tiếng lâu đời. Nghề làm trà ở cao nguyên B’Lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Những ông chủ của thế hệ đầu tiên của các danh trà nổi tiếng hầu như đã về với đất. Vẫn là những tên gọi cũ nhưng những người kế nghiệp đã sang đến đời thứ ba, thứ tư. Bảo Lộc chục năm lại đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp – doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến làm trà. Họ là những ông chủ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc đến đầu tư, thuê đất đai, nhân công và trồng trà để làm giàu và họ đã giàu nhanh chóng. Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc. Trà B’ Lao không chỉ là sản phẩm nội tiêu mà đã toả hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Người dân nào ở Bảo Lộc cũng có vài sào trà để sinh sống chủ yếu . Đây là loại cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại có sức sống vô cùng mãnh liệt . Cứ 10 ngày 1 lần, người ta hái và 10 người sau, những đọt non mơn mởn lại mọc lên. Trà Bảo Lộc được chuyển đi các tỉnh, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà. Bất kỳ một quán giải khát, quán ăn nào cũng không thể thiếu nước trà. Đây là thứ nước uống giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của trà . Đêm mùa đông lạnh lẽo, một ly trà thơm bốc khói có thể sưởi ấm tay bạn trong chốc lát. Xuân về tết đến, nhà ai lai không có một vài tách trà thơm để tiếp khách đến nhà mừng xuân. Nếu như trà “Đàng ngoài” thường sao suốt và không ướp hương thì trà B’Lao truyền thống cũng có bí quyết riêng . Những đọt trà non hái mang về được luộc hoặc xào cho chín, sau đó đem vò xoăn lại, kế tiếp là sấy bên bếp than hồng đến khi nào trà khô và bốc mùi thơm ngát là được. Trà chế biến đến đây gọi là trà mộc. Một số người thích uống trà này hơn vì nó còn mang đầy đủ hương vị của trà . Muốn ngon hơn, người ta ướp thêm các vị thuốc khác như quế hương, cam thảo. Hương ướp trà B’Lao chủ yếu là hoa sói, hoa nhài, rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây.

.Hãy nghe tâm sự của một bạn trẻ: “Ở nhà, sáng nào tôi cũng pha cho Ba tôi một tách trà , nước phải xanh và trong vắt thì Ba tôi mới vừa lòng. Ngồi bên tách trà thơm bốc khói, Ba tôi sắp xếp công việc cho một ngày và buổi tối cũng vậy, sau bữa cơm chiều, ông có thể ngồi hàng giờ bên tách trà xanh thoảng hương nhài. Tôi cảm tưởng người quên hết tất cả những ưư phiền trong ngày qua làn khói bốc lên từ ly trà” Người ta thường nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng ở Bảo Lộc người ta nói “Tách trà là đầu câu chuyên” đấy bạn ạ.

Nguồn tin: Hiệp hội chè Việt Nam


Tạo dựng Thương hiệu cho sản phẩm chè

Tháng Năm 24, 2008

Công ty TNHH Thế Hệ mới từ năm 2003 đã tiến hành xây dựng Thương hiệu chè Cozy, Corona, Vân Tiên cho các sản phẩm của mình, đến nay qua 3 năm kinh doanh đã khẳng định được vị trí trên thị trường. Chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu với quý vị.

1. Sự cần thiết xây dựng Thương hiệu cho sản phẩm chè

– Xây dựng Thương hiệu riêng là cách tiếp cận tốt nhất của nhà sản xuất với người tiêu dùng.

– Một sản phẩm có Thương hiệu sẽ giứp chúng ta ổn định và phát triển doanh số bán hàng, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.

– Thương hiệu còn là cam kết của nhà sản xuất đối với chất lượng sản phẩm .

– Thương hiệu giúp chúng ta gia tăng được giá trị sản phẩm..

Còn rất nhiều lý do khác nữa để chúng ta khẳng định rằng tạo dựng Thương hiệu riêng cho sản phẩm của chúng ta là cần thiết. Điều chúng ta bàn ở đây là phải làm gì để xây dựng thành công một Thương hiệu chè. Theo tôi phải có điều kiện cơ bản sau:

+ Chúng ta phải cam kết trung thành với người tiêu dùng. Nếu chỉ một lúc nào đó chúng ta không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng chúng ta sẽ đánh  mất Thương hiệu của chính mình.

+ Quy trình sản xuất phải được tiêu chuẩn hóa đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định.

+ Phải tạo ra được sự khác biệt giữa Thương hiệu của mình với các thương hiệu khác. Nếu không có sự khác biệt thì thương hiệu của chúng ta sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường.

+ Phải có hệ thống phân phối đủ mạnh và phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh để chi trả cho việc xúc tiến bán hàng và quảng bá Thương hiệu.

2. Các hình thức tạo dựng Thương hiệu đối với sản phẩm chè

+ Đóng gói chè trong bao gói nhỏ có tên tuổi riêng

+ Xây dựng các “Danh trà” , “Nhà chè” nơi đó bán chè rời dưới tên tuổi của mình.(mô hình ở Bảo Lộc hoặc hàng Điếu)

3. Các khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu

+ Tập quán tiêu dùng , mua bán của người Việt Nam còn sơ khai. Chủ yếu mua chè qua mạng bán rong, bán trong các túi nilon buộc chung, qua người quen tại vùng trồng chè… ít ra siêu thị, cửa hàng để mua chè.

+ Bị tâm lý từ thời bao cấp: cho rằng chè đóng gói nhỏ là cũ, không ngon…

+ Mức thu nhập cua đại đa số người dân còn thấp, nên không sẵn sàng mua chè đóng gói sẵn. Một số tâm lý cho rằng mua chè đóng gói sẵn là bỏ tiền ra mua bao bì.

+ Người tiêu dùng chưa có ý thức về nguồn gốc cây chè, về diều kiện an toàn thực phẩm

+ Chè bị cạnh tranh mạnh từ các nước uống khác như: Cà phê, cô ca, và hàng loạt các loại nước uống có ga khác

+ Một số hãng đa quốc gia như Lipton, Dihma đã và đang xúc tiến quảng bá phân phối rất mạnh tại Việt nam

+ Người Việt Nam gọi chè đen là chè Lipton, gọi chè đen hương hoa qủa là chè Dihma. Những hãng vào sau phải xóa được ấn tượng của người tiêu dùng, điều này không phải dễ

Đoàn Anh Tuân – Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới


Chè Thái Nguyên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá

Tháng Năm 24, 2008

Ông Vũ Bá Mười, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên) cho biết: Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chè Thái Nguyên. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang hoàn tất các thủ tục để đưa nhãn hiệu vào sử dụng trên toàn tỉnh.

Từ tháng 7/2006, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đã phối hợp với Công ty Sở hữu trí tuệ INVENCO tiến hành lập đề cương “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho nông dân cũng như các doanh nghiệp trong vùng trồng chè, đặc biệt đưa chè Thái Nguyên trở thành hàng hoá xuất khẩu mang tính cạnh tranh cao, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm chè. Việc chè Thái Nguyên được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là tin vui lớn đối với cây chè Thái Nguyên trong thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 16.000 ha chè, trong đó có trên 13.000 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 110.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt 16 triệu đồng/ha (tính theo giá chè búp tươi) và 36,5 triệu đồng/ha (tính theo giá chè búp khô). Riêng vùng thâm canh tập trung chè đặc sản, giá trị sản xuất đạt từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm.

Ngay sau khi chè Thái Nguyên được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã giao cho Hội Nông dân tỉnh trực tiếp quản lý, sử dụng và vận động người trồng chè, các tổ hợp tác, các doanh nghiệp phải áp dụng nghiêm ngặt quy chế

sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên bao gồm: chế biến chè từ nguyên liệu tại tỉnh Thái Nguyên; cơ sở sản xuất, chế biến đóng trên địa bàn tỉnh; sản lượng sản phẩm chè ổn định hàng năm đạt từ 1 tấn thành phẩm chè búp khô trở lên; thành phẩm chè sản xuất có chất lượng ổn định…./.

 

(Nguồn tin: TTXVN)


Lai Châu: năm 2010 sẽ có 200 ha chè chất lượng cao

Tháng Năm 24, 2008

Đây là mục tiêu lớn của tỉnh nhằm tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu chè. Để thực hiện đ­ợc mục tiêu này, đến nay Công ty sản xuất và kinh doanh chè Tam Đường( đơn vị chủ dự án) đã triển khai trồng 55 vạn cây giống trong nhà lưới, chủ yếu là giống chè Kim Tuyên – giống chè Đài Loan.

 

Tổng gia trị của dự án là 14 tỷ đồng, trong đó tập trung vào 3 nguồn vốn chính là: ngân sách, vay ngân hàng và đóng góp của nhân dân. Được biết, hiện nay Công ty sản xuất và kinh doanh chè Tam Đường đang trồng và chăm sóc 370 ha chè, trung bình mỗi năm sản lượng đạt gần 3000 tấn khô. Dự kiến năm 2008, Công ty sẽ đưa dây chuyền sản xuất, chế biến chè mới của Đài Loan vào sử dụng; việc này vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển 200ha chè chất lượng cao của tỉnh, vừa là tiền đề để Lai Châu tiếp tục khai thác lợi thế có 3.300 ha chè toàn tỉnh.

chebien.gov.vn


Ấn độ từng bước tăng lượng chè chính thống

Tháng Năm 24, 2008

Bộ thương mại Ấn Độ đã nhận được đề xuất từ phía các tổ chức công đoàn như INTUC, AITUCS… liên quan đến việc mở lại các vườn chè đã đóng cửa. Hiện Bộ thương mại đang xem xét những đề xuất này.

Trong cuộc hội thảo với Uỷ ban chè và Hiệp hội chè Ấn Độ, ông Jairam Ramesh, Bộ trưởng liên bang phụ trách thương mại cho biết, hiện đang có một kế hoạch dựa theo mô hình Kerala do công ty Kanan Devan Hills Plantation (KDHP) xây dựng với mục đích mở lại khoảng 9 vườn chè đóng cửa. Mô hình trên bao gồm việc sử dụng thay thế diện tích đất trồng chè và khuyến khích công nhân tham gia vào hoạt động quản lý. Công nhân nắm giữ 30% cổ phần của KDHP và Tatas nắm 26%.

Hiện có 20 vườn chè đóng cửa tại bang Kerala, tương đương với khoảng 11.000 hộ gia đình (ảnh hưởng tới khoảng 35.000 người). Mô hình cũng đã được thảo luận với chính quyền bang Bengal để triển khai thực hiện ở bang này. Bang Bengal có 17 vườn chè đóng cửa, ảnh hưởng tới khoảng 50.000 người.

Ông Masudeb Banerjee – Chủ tịch Ủy ban chè cho biết, Ủy ban đang xem xét đề xuất thiết lập một cơ sở dữ liệu địa lý phán đoán từ xa trên diện tích đất không trồng chè, bên cạnh việc trồng cây xen kẽ như các giống cây ngoại lai, gia vị… Thậm chí cao su cũng có thể được trồng để giảm thiểu rủi ro.

Trong các cuộc họp với các Hiệp hội, Bộ trưởng liên bang đã thúc giục ngành chè trình một đề xuất trong vòng một tuần, nhằm mục đích tăng sản lượng hiện tại là 80 triệu kg chè chính thống lên 120 triệu kg trong vòng 5 năm tới.

Bộ trưởng cho rằng, đây là cách duy nhất để Ấn Độ có thể giữ được thị phần trên các thị trường truyền thống như Nga – nước đang chuyển từ chè CTC sang sử dụng chè chính thống.

Phần lớn chè Ấn Độ là chè CTC. Nếu phân chia tiêu thụ chè thế giới thành 60% chè chính thống (có giá đắt hơn) và 40% chè CTC, thì tỷ lệ chè chính thống hiện tại chỉ chiếm 8% trong tổng sản lượng chè của ẤN Độ 930 triệu kg.

Theo thông báo, một đoàn đại biểu của Ủy ban chè (gồm các đại diện của ngành chè) do chủ tịch Ủy ban dẫn đầu sẽ đến thăm Ai Cập trong tuần tới để thiết lập một trung tâm xúc tiến và tiếp thị chè Ấn Độ tại Cairo, chủ yếu để phát triển thị trường.

Được biết, khối lượng xuất khẩu chè của Ấn Độ sang Ai Cập trong năm 2006 đạt khoảng 2,5 triệu kg (so với mức gần như 0 trong năm 2005). Trung tâm xúc tiến tiếp thị chè phát triển trên mô hình PPP, sẽ do khu vực tư nhân điều hành, trong năm đầu tiên Ủy ban chè sẽ chịu 75% chi phí thuê nhà và sau đó sẽ giảm dần.

Kế hoạch đấu giá điện tử để giao dịch chè hiện đang được tiến hành và dự kiến sẽ đi vào hoạt động ở mức tối đa vào tháng 11 năm nay, hiện một công ty tư vấn quốc tế đang được chỉ định quản lý hệ thống đấu giá này. Một ủy ban do ông Percy Siganporia của công ty Tata Tea đã được thiết lập để giám sát hoạt động giao dịch.

Lễ hội chè quốc tế Ấn Độ hai năm một lần sẽ được tổ chức tại Guwahati trong 3 ngày 16-18/11, và sự kiện trung tâm sẽ diễn ra tại Jorhat.

 

 (Nguon tin: blonnet)


Ấn Độ: Thay thế cây trồng trong vườn chè

Tháng Năm 24, 2008

Trước yêu cầu của chính quyền bang Tây Bengal về việc xem xét quy mô đa dạng hoá cây trồng trong các vườn chè, Hiệp hội chè Ấn Độ (TAI) – nơi có khoảng 200 công ty chè với các vườn chè thành viên ở bang Assam và phía Bắc bang Tây Bengal, đã xác định các cây trồng thay thế gồm jatropha, cao su, thảo dược, hạt tiêu đen và nấm.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo trình lên các cơ quan chức năng trong chính quyền bang, TAI nêu rõ, sự thành công của chương trình đa dạng hoá cây trồng sẽ phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố như diện tích trồng các loại cây, địa điểm, loại đất, lượng mưa, cầu và cung của các thiết bị tưới tiêu, giống và cây trồng, công tác hậu cần, tiếp thị, giá, lượng lao động tham gia và trên hết, đó là sự hỗ trợ của chính quyền ở tất cả các cấp, cả ở bang và Trung ương.
TAI đề xuất, ngoài việc lựa chọn loại cây trồng thay thế và diện tích vườn chè được sử dụng để trồng cây thay thế, khi cần thiết, chính quyền bang cần đưa ra hỗ trợ và hướng dẫn thông qua các uỷ ban hàng hoá khác nhau.
 
Cây Jatropha có thể trồng ở bất kỳ đâu và ở mọi điều kiện khí hậu mà không cần nhiều nước. Cây jatropha cũng có thể được sử dụng làm cây che bóng mát ở các vườn chè. Ngoài ra, dầu jatropha có thể được sử dụng thay thế cho dầu diesel.
 
Cây cao su cũng có thể trồng trên các vườn chè do điều kiện đất và khí hậu ở miền Bắc bang Tây Bengal là rất phù hợp với loại cây này. Một lợi thế lớn của cây cao su đó là cây xen canh, tức là cả chè và cao su đều có thể cùng tồn tại mà không ảnh hưởng đến cây còn lại. Việc sử dụng hiệu quả đất đai và sử dụng hợp lý lao động cũng có thể thực hiện được.
 
Xét tới nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thảo dược, TAI cho rằng, có thể trồng các loại cây thảo dược khác nhau trên những khu đất trống của một vườn chè.
Hạt tiêu đen và cây nấm cũng có thể trồng trên các cây làm bóng mát, vừa mang lại lợi nhuận và là loại cây cần nhiều lao động, cũng không đòi hỏi nhiều diện tích, vì vậy cũng có thể là những loại cây trồng thay thế trên các vườn chè.

(Business Line)


Lào Cai: Nông dân Bảo Thắng yên tâm với đầu ra của cây chè

Tháng Năm 24, 2008

Sau cơn “bão chè vàng” tháng 5 và 6 tàn phá vùng chè nguyên liệu Lào Cai, vùng chè Bảo Thắng rộng trên 1.500 ha (lớn nhất tỉnh) đã phục hồi nhanh chóng nhờ phương pháp tuyên truyền và cơ chế khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Nhà nước đối với nông dân.

Từ tháng 7 trở lại đây, sản phẩm chè, nhất là loại chè Shan chất lượng cao của Bảo Thắng thu hái đến đâu, được Nông trường chè Phong Hải thu mua hết đến đó với giá bình quân từ 3.000 đồng/kg chè búp tươi trở lên đã tạo cho nông dân khí thế hào hứng và tích cực mở rộng, kết hợp với thâm canh chăm sóc cây chè.

Huyện Bảo Thắng xác định xây dựng vùng chè nguyên liệu chất lượng cao, coi cây chè là loại cây công nghiệp chủ lực đem lại nguồn thu nhập lâu dài và ổn định xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Với chủ trương này, ngay từ đầu huyện đã ráo riết chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân trồng chè, khuyến khích hộ trồng chè bằng các chính sách vay ưu đãi phân bón, thuốc trừ sâu, tạo điều kiện mở đường và lập các trạm thu mua đến tận chân đồi chè, thực hiện cơ chế mua và thanh toán nhanh dứt điểm đối với nông dân nên tạo được tâm lý phấn khởi cho người trồng chè.

 

Thấy trồng chè chỉ đầu tư một lần mà có thu hoạch lâu dài, nhất là triển vọng đầu ra ổn định, được giá, đặc biệt là trồng chè giống mới chất lượng cao và chăm sóc theo khoa học thì năng suất có thể gấp nhiều lần trồng các cây khác trên cùng đơn vị diện tích đã kích thích nhiều hộ dân mạnh dạn tham gia vào dự án phát triển vùng chè nguyên liệu chất lượng cao của huyện. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Hải II, xã Phú Nhuận là một ví dụ. Năm 2003, chị Lan nhận trồng 2 ha chè chất lượng cao. Vụ chè năm nay giá thu mua chè lên cao, nương chè mới tròn 4 năm tuổi của chị được trồng, đốn tỉa và chăm sóc đúng kỹ thuật cứ đều đặn cho thu hoạch 10 ngày một lứa, năng suất bình quân ước đạt 6 đến 7 tấn chè tươi mỗi ha với giá bán bán bình quân 3.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi năm chị thu từ 18 đến 20 triệu đồng.

 

Có lợi nhuận, các hộ đã dồn hết công sức và vốn vào trồng và chăm sóc chè, nhờ đó chất lượng và năng suất chè càng tăng lên rõ rệt. Nếu như hết năm 2005, toàn huyện Bảo Thắng chỉ có trên 1.300 ha chè, sản lượng chè tươi cả năm mới chỉ khoảng 2.500 tấn thì đến nay diện tích đã tăng 1.500 ha, sản lượng cũng tăng lên gấp đôi với con số ước khoảng 4.500 tấn nhờ năng suất chè giống mới và kỹ thuật chăm bón, hái tỉa. Với đà tăng trưởng này, theo ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc nông trường chè Phong Hải, Trưởng ban quản lý dự án chè Bảo Thắng thì mục tiêu nâng sản lượng chè lên từ 8.000 đến 10.000 tấn vào năm 2008 là điều hoàn toàn có thể.

 

Cùng với thành công trong việc nâng cao năng suất, chất lượng đồi chè, việc triển khai kế hoạch trồng mới mở rộng vùng nguyên liệu chè của địa phương cũng được các hộ nhân dân tham gia rất sôi nổi. Năm nay huyện Bảo Thắng tập trung trồng mới trên 160 ha chè tại xã Phú Nhuận, một xã có thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển cây chè Shan chất lượng cao. Hơn 30 hộ dân tham gia dự án trồng chè của địa phương đã cơ bản thực hiện xong khâu làm đất và đang tích cực hoàn thành toàn bộ diện tích trong tháng 10 này.

 

Dự báo hết năm 2008, Bảo Thắng sẽ kết thúc dự án 1.700 ha chè nguyên liệu chất lượng cao, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện (2006 – đến 2010) đề ra. Ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Nông trường chè Phong Hải, Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng vùng chè nguyên liệu Bảo Thắng khẳng định: Mục tiêu của Bảo Thắng là trong năm 2010 sẽ nâng năng suất bình quân lên từ 15 đến 16 tấn chè búp tươi/ha, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, cao gấp 3 lần doanh thu năm nay và trở thành địa phương có vùng nguyên liệu chè chất lượng cao lớn nhất tỉnh, xây dựng thương hiệu chè Bảo Thắng trở thành một sản phẩm có uy tín nhất trong ngành chè Việt Nam./.

Nguồn: khuyennongvn


Hoà Bình: Tìm đầu ra ổn định cho cây chè tuyết

Tháng Năm 24, 2008

Hiện nay, tỉnh miền núi Hoà Bình có khoảng 550 ha đất trồng chè tuyết. Trong khi đó, duy nhất Công ty TNHH sản xuất kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền triển khai trồng, thu mua, chế biến ước đạt 1/3 tổng sản lượng.

Theo thống kê năm 1999, toàn tỉnh đã có gần 92 vạn cây chè tuyết được trồng rải rác khoảng trên 60 ha. Trong đó, phần nhiều là cây cổ thụ, có cây tuổi đến gần 200 năm. Thực hiện Quyết định 1119 năm 1999 của UBND tỉnh về phê duyệt xây dựng vùng chè tuyết nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng theo mô hình phòng hộ, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 494 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mai Châu, Đà Bắc và Tân Lạc, nâng tổng số chè tuyết lên trên 550 ha. Dự kiến đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ đạt 1000 ha với trên 3000 hộ dân tham gia sản xuất.

Chất lượng chất chè tuyết nói chung từ lâu đã được khẳng định. Ngoài ra, chè tuyết còn là loại hàng hoá đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Với lợi thế về địa lý, khí hậu, tỉnh có điều kiện phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu cho thu nhập cao; chè tuyết được xem là cây mũi nhọn giúp cho vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, loại cây đặc sản vùng cao này chưa thực sự lên ngôi, việc trồng và kinh doanh chè tuyết ở Hoà Bình vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, giá thu mua búp chè tuyết trồng mới từ 2000 – 3000 đồng/kg. Búp chè cổ thụ giá từ 6000 – 7000 đồng/kg.Theo ông Sa Hồng Diên, phó Trưởng Ban Dân tộc- Tôn giáo tỉnh: Hiện nay, chè tuyết Hoà Bình thường được trồng theo mô hình phòng hộ nên mật độ cây thấp, từ 3000 – 6000 cây/ha, chưa đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người trồng chè. Nếu người dân trồng theo mô hình kinh tế, mật độ sẽ lên đến 15.000 – 17.000 cây/ha. Theo đó thì sản lượng trung bình từ 13 – 18 tấn/ha/năm. Giá thấp nhất cũng thu từ 40 – 50 triệu đồng/ha/năm.

Mặt khác, việc tiêu thụ chè tuyết vẫn còn bấp bênh, gia đình ông Triệu Văn Thắng ở xóm Ngù, xã Hiền Lương có đến gần 50 cây chè cổ thụ nhưng không có người đến thu mua. Mỗi năm, gia đình ông Thắng chỉ hái một lần về sao, dùng trong gia đình.Gia đình anh Triệu Văn Huệ cũng ở xóm Ngù trồng chè tuyết từ hàng chục năm nay. Khu đồi trước đây ông Huệ gieo được 100 kg thóc giống – nhưng giờ, toàn bộ diện tích đó đã trồng hết chè tuyết. Cũng như nhiều gia đình khác, ông Huệ không bán được nên không có tiền tái đầu tư. Do không đủ điều kiện chăm sóc nên năng suất thấp. Một số nơi khác như xã Cao Sơn mặc dù có cơ sở thu mua nhưng manh mún, công nghệ lạc hậu và không có thương hiệu rõ nét.

Trao đổi về vấn đề này, anh Đỗ Ninh Hoà, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền cho biết: Công ty mới thành lập, vốn không nhiều nên việc thu mua còn nhiều hạn chế. Mặt khác, thương hiệu chè tuyết Hoà Bình chưa được người tiêu dùng biết đến nên Công ty chưa dám thu mua hết. Trong 1 – 2 năm vừa qua, Công ty đang đào tạo cán bộ địa bàn và đầu tư cũng như chuyển giao KH-KT cho nhân dân. Do vậy, Công ty đang triển khai thu mua tại các khu vực Mai Châu, xã Yên Hoà, Trung Thành (Đà Bắc) với 1/3 sản lượng chè tuyết trong tỉnh. Trong một vài năm tới khi đã hoàn thiện bộ máy, Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư và thu mua sản phẩm. Mặt khác, Công ty từng bước giới thiệu thương hiệu chè tuyết Hoà Bình trong nước và ngoài nước.

Nguồn: vitas


Để chè tuyết Bằng Phúc đứng vững trên thị trường

Tháng Năm 24, 2008

Chè tuyết Bằng Phúc là đặc sản không chỉ riêng của huyện Chợ Đồn mà còn của cả tỉnh Bắc Kạn. Từ cây chè tuyết này mà nhiều người dân ở xã Bằng Phúc dần ổn định đời sống, xoá được đói, giảm được nghèo, tạo được việc làm khá ổn định cho lao động địa phương.

 

Thời gian qua, chè tuyết Bằng Phúc đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường tỉnh bởi đây là loại chè sạch, sống trên vùng núi cao, chất lượng cao. Để có được những ấm chè ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc cây, thu hoạch và cách sao chè, cách lấy hương sao cho chè thật thơm ngon. Mỗi cân chè tuyết thành phẩm được người dân trong xã bán tại chỗ với giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg mà vẫn không đủ sản phẩm để bán. Tuy nhiên, hiện nay có môt thực tế khiến nhiều hộ dân trồng chè tuyết ở xã Bằng Phúc hoang mang đó là một số sản phẩm giả thương hiệu chè tuyết Bằng Phúc với chất lượng kém đang làm mất dần đi thương hiệu chè Bằng Phúc. Đi tìm hiểu chúng tôi mới biết có một số người vì hám lợi đã mua chè nơi khác về sau đó trộn chè tuyết vào bán theo thương hiệu và giá của chè tuyết Bằng Phúc. Người tiêu dùng thấy chè tuyết không được thơm, ngon và bắt đầu hoài nghi về chất lượng của chè tuyết Bằng Phúc. Thực tế, đang có một số lượng lớn chè pha trộn đưa ra thị trường mang nhãn hiệu chè tuyết Bằng Phúc. Thậm chí loại chè này còn bày bán trên thị trường mà không có cơ quan chức năng nào có biện pháp xử lí. Hiện Hợp tác xã chè tuyết Thiên Phúc đang thu mua chè tuyết tươi của nông dân với giá từ 7.000 – 9.000 đồng/kg.

Đến nay, Bằng Phúc có hơn 360ha chè trong tổng số 460ha chè tuyết đã cho thu hoạch. Tỉnh cũng đầu tư dự án trồng chè tuyết nhằm đưa cây chè thành cây mũi nhọn để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, ở Bằng Phúc chè đều được người dân tự chế biến và tiêu thụ tự do trên thị trường nên rất khó kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, việc quản lí sản phẩm chè tuyết của địa phương cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức, người bán chè và những người thu mua chè thế nào hầu như không được quan tâm.

Để sản phẩm chè tuyết Bằng Phúc thực sự có thương hiệu trên thị trường Bắc Kạn và cây chè tuyết trở thành thế mạnh, giúp bà con nông dân xoá đói giảm nghèo thì việc có cơ chế cụ thể trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm phải được thực hiện chặt chẽ. Người dân cũng cần phải chủ động bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình. Có như vậy, sản phẩm chè tuyết Bằng Phúc mới thật sự đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

     

Nguồn: chebien


Hà Giang: Huyện Hoàng Su Phì thu hơn 25 tỷ đồng từ trồng chè

Tháng Năm 24, 2008

Với diện tích 3.353 ha chè, trong đó có trên 2.700 ha cho thu hoạch, nông dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã thu hái bán được trên 7.000 tấn chè búp tươi và thu về hơn 25 tỷ đồng. Đây là năm có thu nhập từ chè đạt cao nhất từ trước đến nay.

Vụ chè này, ngoài việc gặp thời tiết thuận lợi, huyện đã hướng cho bà con đầu tư, cải tạo các nương chè đã già cỗi, chuyển đổi vụ đốn chè từ tháng 11 của năm trước thay cho việc đốn chè vào tháng 3 của năm sau khiến năng suất chè tăng cao, đạt từ 26 đến 32 tạ/ha. Năng suất này cao hơn phương pháp đốn truyền thống từ 4,5 đến 8 tạ/ha. Nhờ cây chè cho năng suất cao nên năm nay chè thu hái được của cả huyện Hoàng Su Phì đã đạt sản lượng trên 7.000 tấn chè búp tươi, tăng 1.750 tấn so với năm 2005. Nguồn nguyên liệu chè búp tươi này không những đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho 9 xưởng chế biến chè đóng trên địa bàn và 125 máy chế biến chè mi ni (nơi xa các xưởng chè) sản xuất được gần 1.500 tấn chè xanh, 300 tấn chè vàng, tăng hơn 500 tấn chè khô so năm 2005. Hiện nay, bà con vùng chè của huyện Hoàng Su Phì đang tập trung cho đốn 1.600 ha chè, tăng hơn 400 ha so năm trước và tiếp tục cải tạo những nương chè già cỗi.

Có nguồn thu trên 25 tỷ đồng từ bán chè đã làm giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao này và càng củng cố niềm tin vững chắc và thoát nghèo nhờ cây chè đối với các xã: Nậm Ty, Thông Nguyên, Nậm Dịch, Hồ Thầu vừa ra khỏi diện khó khăn./.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn